FptTelecom
Live Chat
19006600
back-to-top

Trẻ em như búp… trong nhà

Tin báo chí , 29-08-2019 06:30

Trong 31 ngày từ 06/08 – 09/09/2019, khoảng 10.000 cán bộ nhân viên (CBNV) FPT Telecom đã tham gia dự án FoxSteps – đi bộ 13 vòng Trái Đất nhằm gây quỹ xây sân chơi cho trẻ em khắp cả nước. Tính đến nay, FPT Telecom đã hoàn thành dự án sớm trước dự kiến 9 ngày.

Sân chơi cho trẻ: Vừa thiếu vừa yếu

Thiếu sân chơi trẻ em là một thực trạng tồn tại nhiều năm nay ở nhiều địa phương. Chơi ở đâu an toàn, bổ ích là nỗi lo của không ít phụ huynh.

Riêng tại Hà Nội, thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho thấy, hiện thành phố có khoảng hơn 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó, 4 quận nội đô là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình… có gần 30 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08m2/người.

Đơn cử như quận Thanh Xuân có 11 phường nhưng đến nay 100% số tổ dân phố không có khu thể thao - nơi vui chơi trẻ em; tại các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình... nhiều phường không có khu thể thao.

Chị Trần Thanh Thủy, sống tại một chung cư quận Thanh Xuân chia sẻ: “Cả chung cư chỉ có khu vui chơi bé tẹo cho trẻ con. Tuy nhiên, buổi chiều, người lớn xuống tập thể dụng, chiếm dụng hết diện tích của trẻ. Do đó, gia đình tôi chủ yếu tranh thủ tối cho các con xuống đi dạo một lúc rồi về. Tranh thủ cuối tuần tôi mới có thời gian cho con vào các trung tâm thương mại có khu vui chơi để các bé chơi”.


Trẻ em như búp… trong nhà
 
Thực tế đã và đang tồn tại một nghịch lý là: Trong khi hàng loạt cao ốc, trung tâm thương mại,... được xây dựng thì cùng với đó phần diện tích công cộng có thể được sử dụng làm chỗ vui chơi cho thiếu nhi dần bị thu hẹp lại; đồng thời không ít công viên, sân chơi, vỉa hè tại nhiều khu đô thị đang bị chiếm dụng để kinh doanh một cách ngang nhiên, trắng trợn. Từ đây dẫn đến hiện tượng không gian giải trí công cộng cho người lớn và cả trẻ em đã thiếu càng thiếu hơn. Các em buộc phải tận dụng cả đường đi, hành lang, vỉa hè,... để vui chơi, quả là không ngoa khi nói trẻ em thành phố như bị “giam lỏng”, không có nhiều điều kiện vui chơi giải trí đúng với sự phát triển của lứa tuổi.

Sự kỳ vọng của người dân được gửi gắm vào hệ thống các nhà văn hóa được xây dựng rộng khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên trái với mong mỏi của nhiều người, những bất cập đang tồn tại khiến nhiều nhà văn hóa chưa thể trở thành địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em.

Chị Lê Phương Anh (nhà ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho hay, cả tổ dân phố chỉ có một nhà văn hóa, song bên trong nhà người lớn lắp đặt bàn để chơi bóng bàn, muốn có góc riêng cho trẻ đọc sách cũng khó. Trẻ con phải chơi ở ngoài sân chật hẹp, lộn xộn.

Chẳng hạn, tại Thanh Hóa, dù có hơn 80% thôn, bản đã có nhà văn hóa nhưng thiết chế văn hóa này chưa thể phát huy được công năng, giá trị sử dụng do hạn chế về trang thiết bị, nội dung, phương thức hoạt động. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nhân rộng những sân chơi cộng đồng, vì tương lai con trẻ

Thiếu chỗ vui chơi là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em phải chấp nhận quanh quẩn cả ngày trong không gian chật chội của gia đình, xem vô tuyến truyền hình, sử dụng máy tính một cách quá độ. Vì thế, lẽ ra nghỉ hè phải là thời gian vui vẻ, nhiều ý nghĩa bỗng trở thành ngày buồn chán, tù túng với không ít trẻ nhỏ. Từ đây vô tình đẩy các em dấn sâu vào các trò chơi điện tử, lệ thuộc vào ti-vi, máy tính,... thậm chí có thể vì tò mò hoặc bị lôi kéo mà dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

Tỉ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ tại Việt Nam ngày càng nhiều, một phần cũng bởi việc thiếu sân chơi. Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức số lượng người mắc tự kỷ song theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cách đây 10 năm, khoảng 200.000 người Việt mắc chứng tự kỷ. 

Tại một sự kiện dành cho người tự kỷ đầu tháng 4/2019, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương ước tính Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ tự kỷ và 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp như ông, gồm bố mẹ và ông bà nội ngoại của trẻ. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ đến khám và điều trị chứng tự kỷ ngày càng tăng. Khoa Tâm bệnh của bệnh viện hiện chỉ nhận can thiệp trẻ tương đối nặng, trẻ có cha mẹ chưa thành thục chuẩn kỹ năng chăm sóc người tự kỷ, trẻ ở những tỉnh không có trung tâm can thiệp, ở vùng xa. Phần lớn trẻ bị tự kỷ nhẹ sẽ được nhân viên y tế tư vấn và hướng dẫn phụ huynh chăm sóc.

Không chỉ ở nông thôn mà ngay tại các thành phố lớn hiện nay, rất nhiều nơi trẻ em vẫn không có một sân chơi đúng nghĩa khi tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện đã thiết kế các cuộc thi, kêu gọi vận động quỹ để xây dựng sân chơi cho trẻ em trên cả nước.

Chẳng hạn, theo Tập đoàn FPT, từ ngày 06/08 – 09/09/2019, hơn 10.000 cán bộ nhân viên FPT Telecom cùng xuống đường đi bộ tham gia dự án FoxSteps - chinh phục 13 vòng Trái Đất trong 31 ngày, nhằm gây quỹ đóng góp vào hoạt động xây dựng 63 sân chơi cho trẻ em khắp cả nước. Mỗi cây số mà CBNV FPT Telecom đi được sẽ được quy đổi thành 10.000 đồng, số tiền này sẽ được đóng góp vào quỹ xây dựng 63 sân chơi cho trẻ em khắp 59 tỉnh thành trên toàn quốc.

Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Chu Thanh Hà cho biết: “Dự án vận động cùng Foxstep là một trong những hoạt động tiêu biểu của Công ty trong năm nay. Không chỉ giúp nâng cao sức khỏe cho toàn thể CBNV tại FPT Telecom, dự án còn là dịp để tập thể FPT Telecom có cơ hội gây quỹ xây dựng sân chơi cho trẻ em trên khắp 59 tỉnh thành Việt Nam, trên hành trình vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ cho CBNV FPT Telecom mà còn là vì cộng đồng”.

Bằng cách cài đặt ứng dụng FoxSteps ngay trên chiếc điện thoại của mình, CBNV FPT Telecom tại 59 tỉnh thành cùng xuống đường đi bộ trong 31 ngày. Đây là một chiến dịch đầy ý nghĩa khi mỗi kilomet CBNV FPT Telecom đi được sẽ đóng góp 10.000đ vào quỹ xây dựng sân chơi cho trẻ em trên toàn quốc. Thông tin chi tiết cuộc thi sẽ được cập nhật liên tục trên: Website: https://fpt.vn/vi và Fanpage: https://www.facebook.com/FoxSteps.fpt.vn/.
Theo Dân Trí